TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP

Razer Core v2: Bảo bối biến laptop mỏng manh trở thành cỗ máy gaming PC thực thụ

Hôm nay mình sẽ giới thiệu đến các bạn một bảo bối để biến chiếc laptop mỏng manh trở thành cỗ máy gaming PC thực thụ. Bảo bối đó là Razer Core v2 - một eGPU hay còn gọi là thiết bị mở rộng card đồ hoạ cho laptop, giúp cho những laptop mỏng nhẹ tận dụng được sức mạnh đồ hoạ của những chiếc card rời trên desktop.

Sáng đi làm, bạn là một doanh nhân, thong thả mang theo một chiếc laptop quyến rũ, sexy, gọn nhẹ đến ấn tượng. Về nhà vào đêm, bạn cắm sợi cáp Thunderbolt 3 từ eGPU sang laptop, kết nối màn hình rời, thêm một vài thiết bị ngoại vị và...bạn đã trở thành một game thủ chuyên nghiệp.  Hôm nay, chúng ta sẽ không thử nữa, mình sẽ review chi tiết chiếc Razer Core v2 này để xem nó có đáng hay không, và ai mới thực sự là người cần chiếc Razer Core v2 này nhé. 

THIẾT KẾ 

Điểm nhấn của chiếc Razer Core v2 này đến từ chất lượng hoàn thiện ở mức rất cao cấp và phong cách thiết kế tối giản của Razer. Toàn bộ lớp vỏ đều được sơn phủ anodize nhám, nhôm dày bản nên Razer Core khá nặng, khoảng 3.5kg (chưa bao gồm card đồ họa). 

Mặt trên, dưới và mặt trước được Razer thiết kế dạng các lớp cắt để tối ưu lưu thông luồng khí nóng. Luồng khí này được đẩy ra bởi 3 quạt phía dưới, làm mát cho cả mainboard lẫn GPU. Cạnh bên dập nổi logo Razer, trong khi cạnh còn lại là một lớp lưới thép cứng, để lộ ra chiếc card đồ hoạ rời và hệ thống LED Chroma quen thuộc từ nhà Razer, có thể tuỳ chỉnh qua phần mềm Razer Synapse. 

Mặt sau là nơi bố trí các cổng kết nối, chúng ta có 4 USB-A, thoái mái kết nối ra các thiết bị ngoại vi. Cổng nguồn tổng công suất 500W, nhưng Razer Core v2 chỉ hỗ trợ cho card đồ hoạ tối đa là 375W thông qua 2 nguồn 8 pin kết nối trực tiếp tới mainboard và 2 nguồn 8pin nữa kéo dài phía trên cung cấp nguồn bổ sung cho card. Công suất dư thừa còn lại dành cho các kết nối ngoại vi và để sạc luôn cho laptop với nguồn điện 60W. Vì vậy mà khi kết nối các mẫu ultrabook với razer core qua thunderbolt 3 thì laptop cũng được sạc luôn. Nhưng có điều các bạn cần chú ý là những máy sử dụng CPU hiệu năng cao thì 60W mà Razer Core cấp qua Thunderbolt 3 là không đủ, chúng ta phải cắm thêm cổng nguồn thì mới có thể tận dụng hết hiệu năng cũng như sạc cho laptop. 

KHẢ NĂNG TƯƠNG THÍCH

Cách sử dụng chiếc Razer Core v2 này thì cực kỳ đơn giản, điều kiện tiên quyết là laptop của bạn phải có giao thức Thunderbolt 3, dưới dạng cổng kết nối USB-Type C, thông thường sẽ có ký hiệu hình tia sét. Rồi sau đó chỉ cần plug-and play, tức là cắm sợi cáp đi kèm vào là máy tự nhận card trong eGPU luôn. Trong trường hợp một số máy không nhận thì tải driver trực tiếp trên trang chủ là xong.

eGPU + Laptop khác gì GPU + Desktop?

Trên desktop, CPU giao tiếp trực tiếp với GPU thông qua 16 làn PCIe, còn laptop giao tiếp gián tiếp với GPU thông qua giao thức Thunderbolt 3 này chỉ là 4 làn mà thôi, đây cũng là giao tiếp có tốc độ cao nhất trên laptop. Vậy, với chỉ 4 làn thông qua Thunderbolt 3 thì hiệu năng của card trong eGPU có bị trồi xụt đi không? Hay nói cách khác card đồ hoạ có bị nghẽn cổ chai hay không? Câu trả lời là có!

Để tận dụng được sức mạnh của Razer Core thì Razer khuyên là nên sử dụng với màn hình ngoài, để hạn chế việc card đồ hoạ trong eGPU phải xuất hình ảnh ngược về màn hình laptop, mà băng thông qua thunderbolt chỉ 4 làn đã rất hạn chế rồi. Nhưng mình vẫn test cả 2 trường hợp không gắn màn hình rời và gắn màn hình rời để các bạn thấy được mức hiệu năng chênh lệch. Laptop mình sử dụng là Razer Blade, khi cắm Razer Core vào là máy tự động ngắt card đồ hoạ rời GTX 1060 và nhận card đồ hoạ desktop của eGPU, cụ thể ở đây mình dùng GTX 1080 FE. Mình cũng so sánh luôn cả sức mạnh của chiếc GTX 1080 này khi gắn vào PC sử dụng CPU đi kèm là i7-8700k thì hiệu năng của nó sẽ ra sao.

Các trường hợp kiểm tra hiệu năng:

  • Desktop (CPU i7-8700K + GTX 1080 FE)
  • Razer Blade + eGPU (GTX 1080 FE)
  • Razer Blade + eGPU (GTX 1080 FE) + Màn rời
  • Razer Blade (i7-7700HQ + GTX 1060) 

Bài test đầu tiên trực quan và chính xác nhất là Firestrike, cụ thể ở đây là bài test card đồ hoạ Graphics. Đây là bài test mà hệ thống sẽ tận dụng tối đa sức mạnh của card đồ hoạ rời và giảm tối thiểu hiệu năng của CPU, do đó chúng ta sẽ biết được phần trăm hiệu năng hao hụt của card đồ hoạ đặt trên những hệ thống khác nhau là bao nhiêu. Và mọi người có thể thấy rằng khi sử dụng eGPU thì hiệu năng của card đồ hoạ bị hao hụt khoảng 30%, khá là nhiều đúng không! Còn khi kết nối ra màn hình ngoài thì hiệu năng sẽ tăng thêm khoảng 10%.

Đối với game, chơi PUBG trên Desktop FPS đạt tận 170, trong cắm Razer Blade vào eGPU chỉ còn 95fps, gắn thêm màn hình ngoài thì lên tăng thêm chút khoảng 100fps. 

Tỉ lệ FPS này cũng tương tự với 2 tựa game Rise of Raider và The Witcher 3.  

Kết luận

Hiệu năng của card đồ hoạ đã bị hao hụt đi nhiều do giới hạn về băng thông. Nó hao hụt nhiều đến nỗi mà ngay cả khi dùng trực tiếp chính chiếc Razer Blade (GTX 1060), hiệu năng còn ngang luôn với Razer Blade kết nối ra eGPU ngoài sử dụng GTX 1080.

Vậy người dùng được gì khi vừa phải mua thêm eGPU, vừa phải mua thêm card đồ họa desktop, mà hiệu năng tổng thể không hơn gì nhiều so với một chiếc laptop? Đúng là hiệu năng không hề có sự thay đổi, nhưng nhiệt độ là thứ thay đổi lớn. Cụ thể, khi cắm eGPU thì card đồ hoạ bên trong laptop tự động ngắt, do đó chiếc laptop bh chỉ phải tản nhiệt cho mỗi CPU mà thôi. Nhiệt độ CPU chiếc Razer Blade khi chơi game có lúc lên tới 95 độ, nhưng khi gắn eGPU thì CPU chỉ loanh quanh dứoi 80 độ. Mặc dù vậy, với số tiền tương đối lớn cho một chiếc eGPU và card đồ hoạ rời bên ngoài, chỉ để đánh đổi lấy mỗi yếu tố về nhiệt độ thì thực sự không đáng. Và có thể kết luận lại rằng, nếu laptop của bạn đã được trang bị sẵn card đồ hoạ rời mạnh mẽ, ví dụ như GTX 1060 thì không cần phải mua eGPU làm gì cả.

Tuy nhiên, trong trường hợp bạn đang dùng laptop doanh nhân mỏng nhẹ với card tích hợp, thì một chiếc Razer Core với card đồ hoạ desktop sẽ đẩy sức mạnh đồ hoạ của những chiếc ultrabook đó lên hẳn một tầm cao mới. Các bạn biết Popeye ăn rau chân vịt vào rồi sẽ như thế nào đúng không? Laptop Ultrabook mà gắn eGPU thì cũng sẽ kiểu như vậy đó. 

TH (phapluatxahoi.kinhtedothi.vn)

Hình ảnh Toàn Thân

Toàn Thân

Biên tập viên

Từ khoá : ,

Xem gì ?

Bạn quan tâm