Chiến lược vắc xin sớm đưa cuộc sống trở về trạng thái “bình thường mới”

Cơ chế dùng vắc xin để khống chế virus

Nói về điều này thì có thể nhận định: ngoài những đặc điểm chung nhất về virus gây bệnh ở người và động vật, thì đến nay những hiểu biết về SARS-CoV-2 (virus corona đang gây đại dịch COVID-19) vẫn ở giai đoạn ban đầu. Nói như vậy vì một số lý do:

Một là, tuy corona là một họ virus lớn được ghi nhận gây bệnh ở người lần đầu từ những năm 1960 (với 2 chủng HCoV-229E và HCoV-OC43), nhưng nhìn chung chúng chỉ được ghi nhận gây bệnh nhẹ nên đã không thu hút sự quan tâm nghiên cứu đáng kể cho đến năm 2002 khi dịch SARS xảy ra, rồi sau đó là năm 2012 khi dịch MERS-CoV xuất hiện, và gần đây là đại dịch COVID-19 (từ tháng 12/2019 được ghi nhận ở Vũ Hán, Trung Quốc). 

Như vậy, so với khoảng trên 200 loại virus gây bệnh ở người, họ Corona mới được quan tâm điều tra về cơ chế bệnh sinh không lâu. Nhưng ngay cả vậy, báo cáo về nguồn gốc COVID-19 từ nhóm chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy SARS-CoV-2 có nguồn gốc và đặc điểm hệ gen khác biệt đáng kể so với SARS và MERS-CoV. Điều này phần nào đưa đến nhận định rằng các giải pháp phòng chống và điều trị cho SARS và MERS-CoV có thể không hiệu quả như mong đợi với COVID-19.

Thứ hai, khi dịch mới khởi phát, nhiều biểu hiện của COVID-19 giống cúm mùa, từ triệu chứng ở bệnh nhân (viêm đường hô hấp trên) tới biểu hiện trong cộng đồng (một số người chỉ biểu hiện triệu chứng ở mức nhẹ đến trung bình, thậm chí không biểu hiện; nhiều bệnh nhân khác lại rất nặng và nguy kịch phải nhập viện và cần can thiệp y tế). Việc cúm mùa vốn phổ biến toàn cầu, đã có phác đồ và thuốc điều trị, cùng tỉ lệ tử vong thấp (khoảng 0,1%) đã tạo ra một tâm lý chủ quan ở nhiều nơi trên thế giới (gồm cả các nước phát triển). Đây là sai lầm nghiêm trọng nhất, là nguyên nhân cốt lõi làm bùng phát đại dịch như hiện nay. 

Dù Việt Nam đã làm tốt giai đoạn này (là một trong những quốc gia giãn cách xã hội nghiêm ngặt sớm nhất trên thế giới), nhưng với bối cảnh hội nhập quốc tế mạnh mẽ thì thật khó để ngăn cản các biến chủng sau này xâm nhập vào Việt Nam theo các con đường khác nhau (một khi dịch đã lan tràn khắp thế giới và nhiều biến chủng ngày càng trở nên thích nghi với khả năng lây truyền nhanh ở người). Cũng cần lưu ý COVID-19 do một virus corona gây nên, trong khi cúm mùa do virus influenza. Đây thực tế là 2 họ virus khác nhau về bản chất di truyền nên cơ chế hoạt động và lây nhiễm khác nhau. Điều này giải thích cho việc vắc xin và các thuốc điều trị cúm mùa không áp dụng được cho COVID-19.

Như vậy, rõ ràng ngoài những đặc điểm chung nhất của các virus gây bệnh ở người, thì những hiểu biết chi tiết về cơ chế bệnh sinh và dịch tễ của SARS-CoV-2 còn hạn chế. Việc cần phải theo dõi cập nhật liên tục các dữ liệu khoa học đáng tin cậy để đề ra giải pháp phòng chống và điều trị bệnh hiệu quả là cần thiết. Trước mắt các cộng đồng và người dân cần tuân thủ các khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, Chính phủ và Bộ Y tế để đảm bảo phòng tránh và kiểm soát dịch bệnh cho mỗi người cũng như cộng đồng.

Chiến lược vắc xin sớm đưa cuộc sống trở về trạng thái “bình thường mới”

Thủ tướng yêu cầu lập tổ hành động để sản xuất bằng được vắc xin COVID-19 nhanh nhất. Ảnh: VG

Cơ chế dùng vắc xin để khống chế virus có thể hiểu như sau:

Cơ thể người (giống nhiều động vật khác) có hệ miễn dịch giúp bảo vệ cơ thể bằng cách nhận diện, ghi nhớ và phá hủy phần lớn các cấu trúc sinh học lạ xâm nhập, trong đó có nhiều virus. Tuy vậy, thời gian để hoạt hóa hệ thống này ở người khỏe mạnh bình thường kéo dài khoảng 2 – 3 tuần kể từ khi bị lây nhiễm lần đầu (nguyên phát). Trong thời gian này, bệnh nhân thường biểu hiện các triệu chứng nhiễm bệnh (do các phản ứng miễn dịch). Từ các lần tái nhiễm (thứ phát) trở đi, nhờ khả năng 'ghi nhớ', hệ miễn dịch sẽ được hoạt hóa nhanh và mạnh hơn để loại bỏ mầm bệnh, nhờ vậy triệu chứng bệnh thường không biểu hiện hoặc biểu hiện ở mức độ nhẹ hơn.

Từ nguyên lý đó, tiêm chủng vắc xin là quá trình giả lập lây nhiễm virus vào người bệnh trong lần lây nhiễm nguyên phát, nhưng thành phần vắc xin không có khả năng gây bệnh, qua đó hệ miễn dịch được hoạt hóa và trở nên có khả năng nhận diện, ghi nhớ và đào thải virus ngay khi cơ thể bị tái nhiễm.

Tuy vậy, cũng phải nói nguyên lý trên là lý thuyết chung, nhưng với SARS-CoV-2 thì một tỉ lệ lớn bệnh nhân không biểu hiện triệu chứng sau khi bị lây nhiễm virus, trong khi một số bệnh nhân khác lại đáp ứng quá mạnh (như bão cytokine) đến mức nguy hiểm đến tính mạng, cho thấy cơ chế bệnh sinh phức tạp của virus mới nổi này. 

Mặc dù tiêm vắc xin tạo miễn dịch cộng đồng là giải pháp có tính căn cơ giúp ngăn ngừa dịch bệnh và bảo vệ sức khỏe cộng đồng, nhưng các giải pháp dự phòng như giãn cách xã hội, cách ly nguồn bệnh làm giảm số bệnh nhân là giải pháp có tính hệ thống nhằm giảm tải sức ép lên hệ thống y tế, bên cạnh các cải thiện trong điều trị và sử dụng thuốc ức chế virus cần được thực hiện đồng bộ để có thể đẩy lùi dịch bệnh.

Ảnh minh họa

Chiến lược miễn dịch cộng đồng

Nhiều nước trên thế giới đã gần đạt miễn dịch cộng đồng nhờ có đủ vắc xin, Việt Nam cũng cần phải có chiến lược cụ thể trong vấn đề này.

Miễn dịch cộng đồng, với thuật ngữ chuyên môn còn được gọi là 'miễn dịch bầy đàn' (tiếng Anh là Herd Immunity), là một khái niệm mang tính mô hình trong sinh học quần thể. Theo đó, khi trong quần thể (cộng đồng) có khoảng 60 – 70% số người miễn dịch, nghĩa là có khả năng kháng và không lây truyền virus gây bệnh cho các người khác, thì chính những người này có thể là 'lá chắn' ngăn cản nguồn virus truyền từ người bệnh này sang người lành chưa miễn dịch, mà số người lành chưa miễn dịch (chính là những người có nguy cơ mắc bệnh) lúc này giảm xuống còn ~30- 40%. Nói cách khác, khi trong cộng đồng cứ mỗi một người có khoảng 2 người làm 'lá chắn' bảo vệ thì cộng đồng đạt trạng thái miễn dịch và tốc độ lây lan của virus sẽ có xu hướng giảm xuống.

Nhưng trên đây chỉ là mô hình lý thuyết. Thực tế miễn dịch cộng đồng biểu hiện rất khác nhau phụ thuộc vào từng loại bệnh, đặc điểm dịch tễ của cộng đồng, loại vắc xin sử dụng và nhiều yếu tố khác. Như bệnh sởi, các điều tra cho thấy miễn dịch cộng đồng chỉ thu được khi tiêm chủng hầu hết dân số (trên 95% số cá thể trong cộng đồng), hay viêm não, bại liệt tỉ lệ này cần đạt khoảng 80%.

Với SARS-CoV-2 là một virus mới nổi, mô hình 'miễn dịch cộng đồng' có thể không giống như các dịch bệnh đã biết, vì một số lý do:

Thứ Nhất, khả năng làm 'lá chắn' bảo vệ của những người đã miễn dịch (nhờ tiêm vắc xin hoặc đã nhiễm tự nhiên) sẽ không tồn tại, nếu họ vẫn có khả năng tái mắc và truyền virus cho người khác...

Thứ Hai, sự phân bố tiêm chủng không đồng đều giữa các cộng đồng hoặc các nhóm cộng đồng nhỏ trong cộng đồng lớn làm thay đổi mô hình. Lúc này, các nhóm cộng đồng chưa đạt miễn dịch (do chưa được tiêm vắc xin) sẽ là ổ bệnh để virus không chỉ sinh sôi trở thành nguồn phát tán các đợt sóng dịch mới sang các cộng đồng khác, và còn có cơ hội biến đổi để thích nghi (tiến hóa kháng thuốc) đến mức vô hiệu hóa các vắc xin đã được phát triển trước đó.

Thứ Ba, các biến chủng có thể làm thay đổi mô hình. Khi cơ chế lây truyền thay đổi do đột biến của các biến chủng, chẳng hạn như xuất hiện các cách truyền bệnh mới, như qua thực phẩm đông lạnh hay thậm chí côn trùng (hiện tượng chưa thấy có ở SARS-CoV-2 nhưng về lý thuyết có thể xảy ra do các biến chủng), thì mô hình 'miễn dịch cộng đồng' sẽ thay đổi.

Thứ Tư, sự ghi nhớ miễn dịch chưa chắc kéo dài suốt đời và ở tất cả những người được tiêm vắc xin. Vì SARSCoV-2 là virus mới nổi nên những yếu tố này cần được điều tra hệ thống để đưa ra được mô hình miễn dịch cộng đồng phù hợp. Khả năng có cần tiêm nhắc lại nhiều lần trong đời sẽ cần được điều tra để làm rõ.

Thứ Năm, tiêm vắc xin dễ làm thay đổi hành vi. Bởi sau một thời gian bị giãn cách nghiêm ngặt sẽ có xu hướng tăng cường tiếp xúc và giao thương. Dịch bệnh có thể quay lại với các mô hình khó lường so với trước đó.

Tóm lại, với SARS-CoV-2 hiện nay chưa có bất cứ quốc gia hay cộng đồng nào có thể tuyên bố đã đạt 'miễn dịch cộng đồng', ngay cả khi đã tiêm chủng cho trên 70% dân số (ví dụ như Israel đã hoàn thành tiêm chủng cho gần 90% dân số). Không ngoại trừ với SARS-CoV-2 một kịch bản miễn dịch cộng đồng chỉ đạt được khi hầu như toàn bộ dân số của cộng đồng (trên 95%) đều cần tiêm chủng.

Chiến lược tiêm chủng là giải pháp vừa trước mắt vừa lâu dài để phòng tránh và đẩy lùi dịch COVID-19

Để đạt được các kết quả khả quan hơn, chúng ta cần hiểu rõ khái niệm Chiến lược tiêm chủng và Hộ chiếu vắc xin và áp dụng cụ thể vào tình hình Việt Nam. Ngoài ý nghĩa tạo miễn dịch cộng đồng, việc tiêm chủng vắc xin trước hết là để bảo vệ mỗi người dân. Cơ chế chống biến chứng nguy hiểm của vắc xin với các bệnh virus là rất rõ (trừ khi virus biến chủng quá mức thì sẽ cần phiên bản vắc xin mới).

Với vai trò đó, tiêm chủng luôn là giải pháp vừa có tính căn cơ (bảo vệ từng người dân) vừa có tính hệ thống (bảo vệ cộng đồng). Theo đó hầu hết các quốc gia hiện nay đều coi chiến lược tiêm chủng là giải pháp vừa trước mắt vừa lâu dài để phòng tránh và đẩy lùi dịch COVID-19. Chiến lược tiêm chủng thường có 4 mục tiêu chính: giảm áp lực lên hệ thống y tế, giảm số người bệnh nặng và tử vong, kiểm soát dịch bệnh và mở cửa lại giao thương kinh tế.

Đối với nước ta, ngay từ đầu năm 2020 khi dịch bệnh mới được công bố, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế quyết liệt triển khai chiến lược vắc xin toàn diện hơn, không chỉ chú trọng chiến lược tiêm chủng, từ mua, nhập khẩu vắc xin, nhận chuyển giao công nghệ, nghiên cứu sản xuất vắc xin trong nước và tổ chức tiêm vắc xin.

Với chiến lược tiêm chủng này, ngay tháng 9/2020 Việt Nam đã đạt thỏa thuận nhận lô vắc xin đầu tiên theo cơ chế Covax với 38,9 triệu liều; đến tháng 11/2020 hợp đồng được ký với AstraZeneca với 30 triệu liều. Đến nay, ta đã đạt các hợp đồng cam kết cung ứng vắc xin với Pfizer, Nga, Mỹ và một số nước khác. 

Các nỗ lực ngoại giao vắc xin được thúc đẩy mạnh mẽ với hàng loạt cuộc đàm phán song phương, đa phương của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ. Đến tháng 8/2021, chúng ta đã có các cam kết, thỏa thuận, hợp đồng và nhận được nguồn viện trợ của Trung Quốc, Mỹ, Nhật, Úc, Anh và các nước với tổng lượng trên 130 triệu liều, đang nỗ lực đàm phán thêm 40 triệu liều để nâng tổng số lên 170 triệu liều, đảm bảo tiêm chủng được cho khoảng 60 – 70% dân số vào cuối năm 2021 hoặc đầu năm 2022.

Về hộ chiếu vắc xin, có lẽ đây là lần đầu tiên được đề cập rộng rãi trên thế giới. Để phòng, chống dịch COVID-19, các giải pháp giãn cách xã hội và cách ly nguồn bệnh ở quy mô rộng lớn chưa từng có đã được áp dụng khắp Thế giới, làm ảnh hưởng sâu sắc và gây suy thoái kinh tế toàn cầu, gây mất công ăn việc làm của nhiều ngành nghề, đặc biệt ảnh hưởng nghiêm trọng đến du lịch, giao thương và chất lượng cuộc sống của người dân mọi nơi trên thế giới. 

Trong bối cảnh mà việc tiêm chủng COVID-19 khó có thể rộng khắp và đồng đều ở mọi quốc gia, vùng lãnh thổ thì rõ ràng ít nhất trong vài năm, giải pháp hộ chiếu vắc xin có lẽ là tốt nhất, thậm chí thiết yếu để giúp các hoạt động giao thương, việc làm sớm có thể phục hồi trở lại. Đây đồng thời là giải pháp để kiểm soát dịch bệnh với sự hỗ trợ ngày càng tốt hơn của các thiết bị di động và công nghệ thông tin, truyền thông.

Những người mang hộ chiếu vắc xin (bản chất là bản xác nhận về tiêm chủng và xét nghiệm) sẽ được phép khôi phục các hoạt động vốn bị hạn chế trong giai đoạn giãn cách xã hội. Họ được phép di chuyển tự do hơn, trở lại các hoạt động giao thương và sinh hoạt cộng đồng vốn có mỗi khi dịch bệnh được khống chế. Việc tách biệt giữa hộ chiếu vắc xin (cho phép di chuyển giữa các quốc gia, vùng lãnh thổ) và chứng chỉ vắc xin (cho phép di chuyển trong phạm vi một quốc gia hoặc cộng đồng) có lẽ cũng nên được nghĩ tới để tiện cho hoạt động quản lý.

Hộ chiếu vắc xin ngoài dạng bản giấy kinh điển, thì dạng điện tử (ứng dụng trong các thiết bị di động) còn giúp giám sát, theo dõi phổ miễn dịch cộng đồng biến động qua thời gian thực, giúp việc kiểm soát dịch bệnh qua thời gian sẽ hiệu quả và xác thực hơn. Mặc dù vậy, đến nay các hành lang pháp lý cho việc áp dụng hộ chiếu vắc xin cơ bản còn chưa được triển khai, việc bảo mật và tôn trọng quyền cá nhân cũng cần được đề cập. 

Nhưng có lẽ, để đời sống kinh tế sớm trở lại trạng thái bình thường mới, việc sớm ban hành các qui tắc và áp dụng hộ chiếu vắc xin là việc làm cần thiết và có ý nghĩa xã hội lớn. Tôi được biết từ tháng 3 năm 2021, Chính phủ đã cân nhắc kế hoạch triển khai hộ chiếu vắc xin ở Việt Nam, song công việc này còn cần hành lang pháp lý để có thể triển khai. Hy vọng thời gian tới, kế hoạch này sớm đi vào cuộc sống và trở thành một giải pháp giúp kinh tế sớm phục hồi và trở lại trạng thái bình thường mới.

Bộ Y tế nghiên cứu, xem xét việc cấp phép lưu hành khẩn cấp vắc xin Nanocovax do Việt Nam sản xuất. Ảnh: VOV.VN

Việt Nam cần chủ động nguồn vắc xin cho riêng mình

Việc chủ động sản xuất vắc xin để đối phó với tình hình hiện tại và tương lai là vấn đề rất quan trọng. Việt Nam cũng cần tận dụng những thành tựu của KHCN thế giới, chủ động nguồn vắc xin cho riêng mình. Một trong những thành tựu lớn nhất của y tế toàn cầu trong thế kỷ vừa qua là đã đẩy lùi được nhiều dịch bệnh lây nhiễm (BLN) nguy hiểm với sự phát minh và sáng chế ra hai dòng dược phẩm chính là thuốc kháng sinh và vắc xin.

Tuy vậy, thuốc kháng sinh chủ yếu hiệu quả cho điều trị BLN do vi khuẩn, còn với các BLN do virus thì giải pháp tiêm chủng tạo miễn dịch cộng đồng là giải pháp căn cơ, hệ thống nhất.

Trong phần lớn thế kỷ XX, việc điều chế vắc xin chủ yếu dựa trên 2 công nghệ chính là vắc xin virus sống giảm độc lực và vắc xin virus bất hoạt. Cả hai công nghệ này đều có bước nuôi và sản xuất virus trong điều kiện nghiêm ngặt, sau đó làm suy yếu hoặc gây chết chúng.

Đến cuối thể kỷ XX, nhờ sự phát triển của công nghệ sinh học phân tử - tế bào, công nghệ vắc xin protein kháng nguyên bề mặt virus ra đời. Thành phần vắc xin lúc này chỉ mang một số phân đoạn protein bề mặt (lớp áo) của virus.

Mỗi khi được tiêm, những phân đoạn protein này sẽ 'dạy' cơ thể cách nhận diện các virus nguyên vẹn giống như cách chúng ta dùng 'dấu vân tay' trên chứng minh thư để nhận diện mỗi cá thể. Các công nghệ vắc xin trên đến nay được coi là truyền thống có điểm chung là dùng thành phần protein bề mặt virus giả lập quá trình lây nhiễm tự nhiên.

Ưu điểm của các công nghệ này đến nay là khả năng sinh và ghi nhớ miễn dịch đã được kiểm chứng với nhiều bệnh dịch. Ngoài ra, ở nhiều quốc gia đã sẵn có các dây chuyền sản xuất, đã quen các quy trình quản lý, vận hành theo tiêu chuẩn ngành dược (GPP, GMP). Nhưng nhược điểm của các công nghệ truyền thống là quá trình phát triển vắc xin mới thường kéo dài. Với mỗi biến chủng mà vắc xin không còn hiệu quả, cần ít nhất nhiều tháng thậm chí nhiều năm để phát triển được vắc xin đặc hiệu. Trong quy trình sản xuất vắc xin có bước sản xuất và tinh sạch protein được coi là nghiêm ngặt, phức tạp, cần thời gian dài mỗi khi cần mở rộng sản xuất để nâng cao sản lượng.

Đầu thế kỷ XXI, công nghệ sản xuất vắc xin có bước ngoặt lớn với sự ra đời của các vắc xin axit nucleic (mARN và ADN). Công nghệ vắc xin axit nucleic có đặc trưng là bỏ qua bước tổng hợp và tinh sạch protein kháng nguyên bề mặt virus, mà thay vào đó lợi dụng chính các tế bào người được tiêm vắc xin làm 'nhà máy' để tự sản sinh các protein kháng nguyên này (bắt chước cơ chế trình diện kháng nguyên tự nhiên của hệ miễn dịch), qua đó giúp đáp ứng miễn dịch diễn ra nhanh, hiệu quả cao. 

Công nghệ này cũng đã gặp rất nhiều trở ngại trong thời gian đầu nghiên cứu, nhưng rất may chỉ vài năm trước đại dịch COVID-19 một loạt các trở ngại công nghệ đã được các nhà khoa học khắc phục, và giờ đây chúng ta đang có một thế hệ vắc xin mới như của Pfizer/BioNTech và Moderna (các vắc xin ARN), AstraZeneca và Jahnsen (vắc xin ADN) bên cạnh các loại vắc xin truyền thống phục vụ công tác chống dịch COVID-19 trên toàn cầu.

Riêng với nước ta, có thể nói, trong lịch sử chưa bao giờ có sự chủ động cao trong phòng chống một dịch BLN bằng các giải pháp đồng bộ, hệ thống như lần này. Từ sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ Y tế và Bộ Khoa học Công nghệ đã chỉ đạo các tổ chức khoa học tích cực trong triển khai nghiên cứu sản xuất và thử nghiệm vắc xin 'made by Việt Nam' từ sớm.

Đến nay, đã có 4 loại vắc xin 'made by Việt Nam' được các tổ chức khoa học trong nước báo cáo. Trong số đó, vắc xin Nanocovax (một vắc xin protein tái tổ hợp) do Công ty Sinh học Dược Nanogen phát triển đã vượt qua các bước thử nghiệm lâm sàng giai đoạn I và II, hiện đang chuẩn bị thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III. Các vắc xin còn lại của các Công ty Vabiotech, IVAC và Polyvac (các vắc xin virus bất hoạt và protein kháng nguyên bề mặt virus) đang ở giai đoạn thử nghiệm lâm sàng giai đoạn II.

Theo tiến độ này, nếu các kết quả thử nghiệm lâm sàng tích cực, thì vào cuối năm 2021 hoặc đầu năm 2022, các vắc xin 'made by Việt Nam' có thể được đưa vào tiêm chủng đại trà. Đây là một bước tiến lớn trong việc Việt Nam tự sản xuất và cung ứng vắc xin nội địa. Thời gian cả nghiên cứu và thử nghiệm lâm sàng vắc xin tính từ khi dịch bệnh xuất hiện cũng rất ngắn (khoảng 24 tháng), được xem là kỷ lục chưa từng có về thời gian. 

Mặc dù vậy, đến nay Việt Nam chúng ta chưa có nghiên cứu phát triển vắc xin mARN hay ADN nào được triển khai và báo cáo. Đây là hướng mới cần đầu tư nghiên cứu và phát triển trong nước để đáp ứng các biến chủng mới cũng như sẵn sàng cho việc phòng ngừa các dịch bệnh lây nhiễm khác có xu hướng xảy ra càng mau hơn trong tương lai.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tham quan phòng thí nghiệm nghiên cứu, sản xuất vắc-xin thuộc Học viện Quân y. Ảnh: Thành Chung

Để không ai bị bỏ lại phía sau, không ai đứng ngoài cuộc trong tiếp cận vắc xin

Thủ tướng đã nhấn mạnh Đảng và Nhà nước tập trung chiến lược vắc xin, bao gồm các khâu: nhập khẩu, chuyển giao công nghệ, nghiên cứu sản xuất vắc xin trong nước để chủ động tiêm vắc xin miễn phí cho nhân dân và thực hiện chiến dịch tiêm chủng vắc xin lớn trên toàn quốc. Mỗi khâu đều có vai trò riêng và kết hợp với nhau để đạt mục tiêu chung. 

Chẳng hạn việc nhập khẩu vắc xin để nhanh chóng đạt mục tiêu tiêm chủng đủ phổ biến theo mô hình miễn dịch cộng đồng; nhận chuyển giao công nghệ và nghiên cứu vắc xin để hạn chế lệ thuộc nguồn cung nước ngoài đồng thời chủ động sẵn sàng đáp ứng với các biến thể và các dịch bệnh có thể có trong tương lai; tiêm vắc xin miễn phí cho toàn dân không chỉ để đạt miễn dịch cộng đồng trước mắt với dịch bệnh COVID-19 mà còn làm tăng nhận thức của từng người dân cũng như các tổ chức xã hội về phòng ngừa các dịch bệnh tương tự trong tương lai vốn cần sự hợp tác giữa người dân, nhà nước và các tổ chức.

Với tinh thần nhân văn và truyền thống đoàn kết 'lá lành đùm lá rách' của dân tộc ta, Việt Nam đề ra chủ trương trong chiến dịch chống đại dịch: không ai bị bỏ lại phía sau, không ai đứng ngoài cuộc trong việc tiếp cận vắc xin. Tuy nhiên, với nguồn cung hạn chế như hiện nay, Việt Nam phải có những bước đi cụ thể, hợp lý để tận dụng hiệu quả nguồn vắc xin khan hiếm. 

Để đối phó với nguồn cung vắc xin hạn chế, trong bối cảnh toàn thế giới đều cần vắc xin trong thời gian ngắn nhất, chúng ta đã làm tất cả các giải pháp có thể có, từ 'ngoại giao vắc xin' của các cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ thông qua đàm phán song phương, đa phương với Chính phủ các nước có nguồn cung vắc xin, tới việc giao cho các Bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là Bộ Y tế chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ và hướng dẫn các doanh nghiệp tư nhân chủ động tìm mua vắc xin từ mọi nguồn có thể có.

Song song với việc tìm kiếm nguồn cung vắc xin, Thủ tướng cũng đã trực tiếp thiết lập Quỹ vắc xin phòng chống COVID-19 với mục tiêu chuẩn bị tài chính đảm bảo thực thi việc tiêm chủng miễn phí cho toàn thể nhân dân. Cách thức triển khai quỹ có tính tổ chức và nhân văn sâu sắc. Theo đó, khoảng một nửa kinh phí mục tiêu được Quốc hội phê chuẩn từ ngân sách nhà nước, một nửa còn lại được kêu gọi từ các nguồn xã hội hóa rộng khắp, từ các tập đoàn, doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, địa phương cho đến người dân.

Không nghi ngờ gì những giải pháp của toàn hệ thống chính trị nêu trên chắc chắn đảm bảo thực hiện được mục tiêu 'không ai đứng ngoài cuộc trong việc được tiếp cận vắc xin'.

Để thực hiện mục tiêu này và hướng tới miễn dịch cộng đồng, Quỹ vắc xin đóng vai trò rất rất quan trọng. Mục tiêu của Quỹ đã được chỉ rõ để nhằm phục vụ cho việc mua, nhập khẩu, nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong nước và sử dụng vắc xin phòng COVID-19 cho toàn thể nhân dân. Là một quốc gia có dân số lớn thứ 14 trên thế giới, kinh phí cần để tiêm chủng toàn dân được ước tính khoảng 20 - 25.000 tỷ đồng. 

Đây là một khoản kinh phí lớn cần được huy động và quản lý, sử dụng minh bạch, hiệu quả. Tiêm chủng nhằm đạt miễn dịch cộng đồng chắc chắn không thể có được nếu không có kinh phí từ nguồn quỹ như thế này. Với khoản kinh phí quỹ đã huy động được từ nguồn xã hội hóa trong đó có sự đóng góp trực tiếp từ phần lớn người dân và các doanh nghiệp đạt gần 9000 tỷ đồng tính đến tháng 8/2021 đảm bảo cho chúng ta có thể sớm thực hiện mục tiêu tiêm chủng đạt miễn dịch cộng đồng vào cuối năm 2021 hoặc đầu năm 2022.

Quỹ hiện nay đang được xây dựng dựa trên nguyên tắc huy động nguồn lực từ cả nhà nước và nhân dân. Với nguồn ngân sách nhà nước được Quốc hội phê chuẩn và giám sát có thể tin cậy rằng Quỹ sẽ được phát huy đúng mục đích và hiệu quả. Với nguồn xã hội hóa dựa trên tinh thần tự nguyện. Để huy động hiệu quả các nguồn lực trong xã hội cho Quỹ vắc xin, cần không ngừng tăng cường các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân và các tổ chức cho việc xây dựng Quỹ.

Có hình thức tôn vinh và khen thưởng với các điển hình xây dựng Quỹ. Các tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp xây dựng Quỹ được xác nhận quyền ưu tiên trong tiếp cận tiêm chủng và các dịch vụ y tế liên quan (giống như cách chúng ta đang ghi nhận cho hoạt động hiến máu tình nguyện). Ngoài ra, các tổ chức, cá nhân đóng góp xây dựng Quỹ có quyền và cách thức giám sát việc triển khai chi trả các khoản kinh phí mình đóng góp đảm bảo đúng mục tiêu, khoa học, hợp lý và minh bạch.

Khi dịch chưa được đẩy lùi, với mục tiêu tiêm chủng nhằm miễn dịch cộng đồng là trên hết, trước hết, Quỹ cần ưu tiên hàng đầu cho việc mua, nhập khẩu, sản xuất vắc xin và triển khai công tác tiêm chủng cho đến khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát (tỉ lệ nhiễm bệnh giảm về mức cơ bản). Kinh phí còn lại sẽ dành cho các hoạt động truyền thông, hỗ trợ lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch, đào tạo nhân lực y tế, nghiên cứu phát triển vắc xin mới, sẵn sàng chủ động đáp ứng với các biến chủng mới và các dịch bệnh có thể xảy ra trong tương lai. 

Với việc tiêm chủng, ngoài kinh phí từ Quỹ, vẫn nên huy động các nguồn lực khác, chẳng hạn như mở dịch vụ tiêm chủng tự chi trả phí với quyền lựa chọn dịch vụ y tế cho các tổ chức và cá nhân có điều kiện, nhằm dành kinh phí từ Quỹ ưu tiên hơn cho các đối tượng khó khăn không có điều kiện tự chi trả chi phí tiêm chủng.

Quỹ cũng nên tách biệt phần kinh phí phục vụ cho tiêm chủng và phần cho nghiên cứu phát triển vắc xin. Các phần quỹ này cũng nên có cơ chế huy động và giải ngân phù hợp với đối tượng được huy động xây dựng Quỹ. Chẳng hạn, với phần quỹ cho tiêm chủng đối tượng huy động là toàn dân và cần triển khai gấp, cơ chế giải ngân cho tình huống cấp bách; còn phần quỹ cho nghiên cứu phát triển, đối tượng huy động phù hợp hơn là ngoài ngân sách nhà nước cho phát triển, thì nên từ các doanh nghiệp, tập đoàn công nghiệp, nên được huy động dài hơi, thường kỳ. 

Các tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng Quỹ có quyền lợi thụ hưởng các dịch vụ và sản phẩm do Quỹ mang lại. Họ cũng nên có cách thức giám sát hoạt động của Quỹ đảm bảo hiệu quả, hợp lý, minh bạch. Việt Nam đang hướng tới mục tiêu miễn dịch cộng đồng, theo mô hình lý thuyết như nêu ở trên, miễn dịch cộng đồng chỉ có thể đạt được khi ít nhất có khoảng 60 - 70% số người trong cộng đồng đã trở nên miễn dịch (đã được tiêm vắc xin hoặc miễn dịch tự nhiên). 

Nhưng đây chỉ là mô hình lý thuyết. Trước mắt, để đẩy lùi dịch COVID-19, Việt Nam chúng ta phải đạt được mức độ tiêm chủng này, nghĩa là ít nhất khoảng 70 triệu người Việt Nam cần được tiêm vắc xin đủ liều lượng. Tuy vậy, như đã nêu, SARS-CoV-2 là virus mới nổi, có nhiều đặc điểm dịch tễ khác biệt với các dịch virus đã biết, nên chúng ta cũng cần chuẩn bị kịch bản miễn dịch cộng đồng với bệnh dịch này có thể chỉ đạt được khi gần như toàn dân (chỉ trừ các trường hợp chống chỉ định như trẻ sơ sinh, người có tiền sử phản ứng với vắc xin) được tiêm chủng đầy đủ (có thể phải đạt đến trên 95% như được ghi nhận ở một số dịch BLN khác).

Và quan điểm về hộ chiếu vắc xin

Quan điểm cho rằng hộ chiếu vắc xin là một chủ trương đúng khi trong nước đã có miễn dịch cộng đồng, tức là 70% dân số đã được tiêm vắc xin có lẽ chưa thật đúng. Để thực hiện mục tiêu kép, vừa bảo vệ sức khỏe cộng đồng vừa tạo điều kiện cho người dân trở về hoạt động giao thương kinh tế, thì chủ trương cấp hộ chiếu hay chứng chỉ vắc xin nên được triển khai càng sớm càng tốt. Song việc này cũng cần làm một cách phù hợp, và cân nhắc một số khía cạnh:

Một là, việc cấp hộ chiếu vắc xin có thể làm thay đổi đáng kể 'hành vi' của người được cấp hộ chiếu. Họ dễ có xu hướng chủ quan trong công tác phòng chống dịch, không tuân thủ các nguyên tắc giãn cách mà họ đã tuân thủ trước đó; lúc đó, thậm chí họ có thể sẽ là tác nhân lan truyền các biến chủng mới. - Hai là, dễ tạo ra sự phân biệt đối xử với

Hai là, dễ tạo ra sự phân biệt đối xử với nhóm người chưa có hộ chiếu. Sự phân biệt đối xử này có thể gây ra các mâu thuẫn quan hệ xã hội phức tạp hơn (do yêu cầu về giao thương và việc làm là quyền cá nhân của công dân).

Ba là, cơ quan nào có thẩm quyền cấp, quản lý, giám sát hộ chiếu hay chứng chỉ vắc xin cũng là vấn đề cần bàn.

Tóm lại, việc cấp và áp dụng hộ chiếu vắc xin là việc làm cần thiết để đảm bảo đời sống kinh tế - xã hội sớm trở lại trạng thái bình thường mới, song cần có hành lang pháp lý rõ ràng, cách thực thực hiện hợp lý, được sự đồng thuận và nhận thức đầy đủ của cộng đồng. Công tác thông tin, truyền thông, giáo dục nhằm tuyên truyền về hoạt động này cần đi trước một bước.

 Việt Nam đã đạt được kết quả ban đầu trong việc thực hiện 'mục tiêu kép' vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế. Tuy nhiên, những kết quả chúng ta đã đạt được mới chỉ là bước đầu. Diễn biến của dịch còn nhiều phức tạp, nhất là khi nguy cơ biến chủng của virus là thường trực và khó dự đoán. Thời gian tới để Việt Nam làm tốt hơn nữa 'mục tiêu kép', theo tôi cần làm bổ sung một số việc sau:

Các hệ thống thông tin truyền thông nên tổ chức nhiều 'diễn đàn' trực tuyến (báo, đài, tivi, mạng xã hội) để các nhà khoa học, chuyên gia y tế thường xuyên chia sẻ thông tin về cơ chế bệnh sinh, dịch tễ và thực tiễn phòng chống dịch được cập nhật trong nước và trên thế giới liên quan đến COVID-19 dựa trên các dữ liệu khoa học xác thực. 

Qua đó, kiến thức, nhận thức chung của cộng đồng không ngừng được tăng cường. Mỗi người dân và cộng đồng sẽ bình tĩnh, đoàn kết và thống nhất hành động, hành vi nhằm vừa phòng chống dịch bệnh hiệu quả vừa sớm đưa cuộc sống kinh tế - xã hội trở về trạng thái bình thường mới.

 Thiết lập các quy tắc hành vi mới trong giao tiếp xã hội, như nguyên tắc 5 K mở rộng, xây dựng và thực hiện khung hành động chung trong phòng chống dịch BLN ở các cấp độ cộng đồng khác nhau (địa phương hay toàn quốc) ngay cả khi dịch bệnh đã kết thúc và cuộc sống đã trở lại bình thường.

Cần đầu tư hơn nữa cho giáo dục và điều tra khoa học một cách hệ thống về dịch bệnh COVID-19 nói riêng và các BLN nói chung có thể bùng phát ở Việt Nam trong tương lai trong mối quan hệ với các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội, từ đó xây dựng các mô hình đảm bảo duy trì được 'mục tiêu kép' là chăm sóc sức khỏe toàn dân luôn đi kèm với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước một cách hài hòa, bền vững kể cả khi dịch bệnh đã qua.

Do đó, để sống trong trạng thái 'bình thường mới', mỗi Bộ, ngành, địa phương nên sớm tổng kết những kinh nghiệm, bài học quý báu đã trải qua trong giai đoạn phòng tránh dịch COVID-19 (từ khi dịch bệnh khởi phát đến khi tiến triển qua các giai đoạn) đối với riêng lĩnh vực và khu vực mà mình quản lý. Rút ra các kinh nghiệm hay, bài học quý để xây dựng kịch bản hay khung hành động chung để phòng chống dịch tương tự trong tương lai.

Với mật độ lặp lại của các dịch virus corona trên Thế giới gần đây (SARS năm 2002, MERS-CoV-2 năm 2012 và COVID-19 năm 2019), có thể xem các dịch bệnh này như các dạng 'thiên tai' tiềm tàng, mỗi bộ, ngành, địa phương nên có sẵn các kịch bản phòng chống khi trở về trạng thái 'bình thường mới'.

Đối với các cộng đồng dân cư và mỗi người dân, các biện pháp phòng trừ dịch bệnh và các hành vi phòng bệnh nên được duy trì, đồng thời nên được đưa vào các chương trình truyền thông, giáo dục thường xuyên để công tác phòng chống dịch COVID-19 nói riêng và chăm sóc sức khỏe cộng đồng nói chung trở thành thói quen như 'cơm ăn, nước uống' hằng ngày.

Nói chung nhất là mỗi người dân và cộng đồng cần được trang bị kiến thức, kỹ năng và các khung hành động chung đầy đủ hơn để luôn phòng tránh được một dịch bệnh giống như COVID-19 không bao giờ lặp lại nữa, hoặc sẽ nhanh chóng bị đẩy lùi ngay khi dịch bệnh vừa xuất hiện.

(Bài viết đăng trên ấn phẩm đặc biệt Tạp chí TT&TT Kỷ niệm 76 năm Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam (2/9/1945 -2/9/2021))

TIN LIÊN QUAN

Hai cuốn sách đầy tính thời sự về đại dịch COVID-19

Những cuốn sách về đại dịch COVID-19 giúp bạn đọc có thể hình dung được quá trình diễn biến của dịch với nhiều điều đáng kể, đáng nói, đáng ghi chép lại từ một hiện thực nóng bỏng và khốc liệt.

Các nhà khoa học đang nghiên cứu "virus ảo" có khả năng lây nhiễm smartphone qua Bluetooth, mô phỏng COVID-19

Trong một cuộc nghiên cứu gần đây, các nhà khoa học từ Đại học Queensland, Đại học Melbourne và Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) đã phát triển một loại 'virus ảo' có thể truyền giữa các smartphone khác nhau để bắt chước sự lây lan của COVID-19.

Ứng dụng Oxy 247 giúp bệnh nhân Covid-19 tìm giường oxy

Ứng dụng do người Việt Nam phát triển được xây dựng theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM.

Các "Big Tech" đạt tăng trưởng doanh thu khi thế giới chuyển sang "kĩ thuật số" vì dịch virus Corona

Các tập đoàn công nghệ lớn (hay Big Tech) đang trên đà phát triển. Trong mỗi phút của ba tháng đầu năm 2021 thì Apple, Alphabet, Amazon, Facebook và Microsoft đã bán các sản phẩm và dịch vụ đạt khoảng $2.5 triệu (hay 1.8 triệu bảng Anh). Lợi nhuận

Hệ thống đám mây giúp xác định các biến thể Covid-19 nhanh hơn

Cộng đồng nghiên cứu dùng nền tảng chuỗi gen, vận hành trên cơ sở hạ tầng đám mây Oracle OCI, để phát hiện và hành động nhanh với các đột biến Covid-19 mới.

Y tế Việt Nam trong cuộc chiến chống COVID-19

Trong gần 4 tháng qua, Việt Nam liên tục thay đổi các chiến lược truy vết, xét nghiệm, cách ly, điều trị. Lần đầu tiên, chúng ta áp dụng các biện pháp chống dịch chưa từng có với sự xuất hiện của biến chủng Delta gây ra nhiều hậu quả nặng nề

100.000 loại virut được xác định trong nghiên cứu đột phá mới

Khoảng 100.000 loại vi-rút mới đã được xác định trong một nghiên cứu do Israel đứng đầu, đánh dấu sự gia tăng gấp 9 lần về lượng virut axit ribonucleic (RNA) đã biết, Đại học Tel Aviv công bố đầu tuần.

Sẵn sàng chiến lược bình thường mới với Nền tảng hỗ trợ truy vết F0

Ngày 11/9, Trung tâm phòng, chống dịch Covid-19 Quốc gia chính thức ra mắt Nền tảng hỗ trợ truy vết F0 cùng một chiến lược bình thường mới với các module bao gồm xét nghiệm chốt chặn, ghi nhận tiếp xúc gần, kiểm soát vào ra bằng mã QR và truy vết

THỦ THUẬT HAY

Cách cập nhật iOS 15.1 RC để sử dụng gần như là bản chính thức sắp tới

iOS 15.1 RC đã được Apple chính thức phát hành đến người dùng iPhone sau sự kiện Apple Unleashed 2021. Sau đây sẽ là hướng dẫn cách cập nhật iOS 15.1 RC trên iPhone...

Các phương pháp tốt nhất để tìm và truy xuất các thiết bị Android bị mất

Cho dù bạn có thận trọng với các thiết bị điện tử củamình như thế nào đi chăng nữa thì cũng không thể loại trừ khả năng bị mất. Thậtmay mắn cho người dùng Android, có các ứng dụng và dịch vụ được thiết kế đặc biệt để

Thay đổi tùy ý màn hình khởi động trên Windows 10 theo ý bạn!

Việc bạn sử dụng máy tính hàng ngày, tắt và mở máy liên tục mà cứ thấy màn hình khởi động mặc định thì thật nhàm chán. Bạn hãy thay đổi màn hình khởi động khác đi, sinh động hơn để mang lại cảm hứng làm việc nào.

Cách làm Wifi phát xa hơn, tăng sóng và tốc độ Internet

Người dùng cảm thấy khó chịu khí truy cập internet bị gián đoạn do tín hiệu sóng Wifi yếu dẫn tới ảnh hưởng đến công việc cũng như học tập và giải trí. Hãy tham khảo ngay bài viết dưới đây để có thể biết được cách làm

Đây là cách ẩn ứng dụng ở màn hình chính iPhone trên iOS 15 bạn nên lưu ngay

Người dùng iPhone trước đây chắc hẳn sẽ có những ứng dụng riêng tư nhưng không thể ẩn chúng đi ở ngoài màn hình chính, nhưng với iOS 15, bạn đã có thể ẩn đi một hoặc nhiều ứng dụng một cách dễ dàng.

ĐÁNH GIÁ NHANH

Cảm nhận thiết kế OPPO F9: dành cho những người yêu cái đẹp

OPPO F9 đã có một bước tiến lớn so với các thế hệ trước và so với các đối thủ nhờ thiết kế màn hình “giọt nước” độc đáo. Đây cũng là chiếc điện thoại OPPO dòng F đầu tiên có camera kép để cạnh tranh sòng phẳng với những

Có nên mua Xiaomi Redmi 10 không?

So với Redmi 9, Redmi 10 được nâng cấp và cải tiến rất nhiều. Từ thiết kế, màn hình cho đến cấu hình và camera. Tuy nhiên, vấn đề được quan tâm nhất lúc nào là có nên mua Xiaomi Redmi 10 không? Trong bài viết này

Đánh giá Asus Zenfone Max Plus: Có gì đáng giá với mức 5,5 triệu

Asus Zenfone Max Plus mang ngôn ngữ thiết kế khá quen thuộc với mặt lưng bằng kim loại nguyên khối cứng cáp và các cạnh bên được bo cong mềm mại, tạo cảm giác dễ chịu hơn khi cầm nắm. Cảm biến vân tay đã được hãng dời