Đánh giá chi tiết màn hình ViewSonic XG2402 dành cho game thủ

ViewSonic XG2402 là chiếc màn hình dành cho game thủ với những chỉ số rất lý tưởng như 24' với tần số quét 144 Hz, thời gian đáp ứng (GtG) chỉ 1 ms và hỗ trợ công nghệ đồng bộ khung hình AMD FreeSync.
Đánh giá chi tiết màn hình ViewSonic XG2402 dành cho game thủ

Ngoài ra dòng XG cũng sở hữu thiết kế đậm chất game hơn với các điểm nhấn màu đỏ, thiết kế vuông vức và chân đế vững chãi hơn. XG2402 có giá bán khoảng 6,9 triệu đồng và điều mình quan tâm là liệu ngoài khả năng đáp ứng cho nhu cầu chơi game thì chiếc màn hình này có thể dùng để chỉnh sửa ảnh hay đồ họa hay không?

Với sự phát triển bùng nổ và nhu cầu sử dụng màn hình có tốc độ quét cao của game thủ từ nghiệp dư đến chuyên nghiệp thì nhiều hãng làm màn hình LCD truyền thống cũng đã bắt đầu phát triển những dòng sản phẩm dành riêng cho game cũng như cạnh tranh với các hãng chuyên làm màn hình game. ViewSonic cũng không đứng ngoài làn sóng này với dòng XG. Nếu xếp cùng phân khúc thì ViewSonic XG sẽ cạnh tranh với dòng AOC Agon, BenQ Zowie XL series hay LG Gaming Monitor. Riêng chiếc màn hình XG2402 trong bài này có rất nhiều đối thủ trong phân khúc 24' như BenQ Zowie XL2411, LG 24GM79G-B, Agon AG241QX … Điểm chung đều là 144 Hz, 1 ms, phân giải FHD (1920 x 1080 px) và hỗ trợ FreeSync.

Chưa bàn đến chất lượng hiển thị thì thiết kế của màn hình luôn là yếu tố chúng ta quan tâm khi chọn mua, nhất là ở phân khúc gaming. Một chiếc màn hình gaming phải ngầu và cá tính và XG2402 phần nào đáp ứng được yếu tố này. Thiết kế vuông vức, hầu như không có đường cong là thứ mình thích.

Theo ngôn ngữ thiết kế mới được ViewSonic gọi là RampageX, XG2402 có biểu tượng chữ X màu đỏ cách điệu phía sau, phân tách thành 2 chữ V nằm đối xứng với chân đế có đường chỉ đỏ. Đây cũng là dòng màn hình đầu tiên của ViewSonic sở hữu thiết kế này và ẩn bên dưới chữ X là hệ thống đèn hiệu ứng. Ban ngày thì rất khó thấy nhưng ban đêm thì rất nổi. Đèn LED đỏ còn hắt ra tại các khe tản nhiệt phía trên và bên dưới màn hình, nhìn

Trên giá đỡ màn hình có một chiếc vòng để chúng ta luồng dây - trang bị rất cần thiết để khiến góc chơi game trở nên gọn gàng hơn và cũng trên giá đỡ màn hình này có một chốt nhỏ kéo ra để treo tai nghe. Như vậy về trang bị bên ngoài thì XG2402 có đầy đủ món ăn chơi mà một chiếc màn hình dành cho game thủ cần có.

ViewSonic có cơ chế lắp ráp đơn giản, phần chân đế và giá đỡ màn hình bắt với nhau chỉ với 1 con ốc có khoen vặn, màn hình gắn với giá đỡ bằng các ngàm mà không cần dùng đến tua vít. Có một nút bấm để giải phóng các ngàm giữ khi cần tháo màn hình ra, rất tiện dụng. Ngoài ra nếu muốn bắt lên tường thì ViewSonic XG2402 cũng hỗ trợ ngàm VESA 100 x 100 mm tiêu chuẩn.

Chân đế dù bằng nhựa nhưng hoàn thiện tốt với kiểu họa tiết giả nhôm phay xước cùng logo XG dập nổi. Phần chân đến này đủ rộng để giữ chắc màn hình khi xoay lật.

XG2402 có thiết kiết kế cho phép xoay trở linh hoạt. Giá đỡ nằm trên chân đến cho phép xoay màn hình qua lại ở góc 90 độ và bản thân phần màn hình cũng cũng có thể xoay nghiêng (pivot) nhờ trục gắn trên giá đỡ một góc tối đa 90 độ và bản lề màn hình cho phép ngửa ra trước sau theo các góc lần lượt là 5 và 20 độ. Thêm vào đó chúng ta có thể điều chỉnh độ cao của màn hình trong cự ly 120 mm. Sự linh hoạt của màn hình là yếu tố rất quan trọng để anh em có thể bố trí góc chơi game của mình, nhất là với những ai có góc bàn nhỏ hoặc thích thiết lập đa màn hình.

Chất liệu chế tạo vỏ của XG2402 hoàn toàn bằng nhựa, bề mặt sần mang lại cảm giác chắc chắn, giống như kiểu hoàn thiện của những dòng màn hình chuyên xử lý đồ họa. Phần viền màn hình khá dày, 2 bên và viền trên khoảng 15 mm, riêng viền dưới 25 mm. Nếu so với phiên bản trước là XG2401 thì XG2402 gọn hơn, cân đối hơn nhiều.

Trang bị cổng kết nối trên màn hình XG2402 khá tiêu chuẩn với 2 cổng HDMI 1.4, 1 cổng DisplayPort 1.2, 2 cổng USB 3.0 cùng với cổng USB 3.0 chuẩn B đấu nối với máy tính và jack âm thanh 3,5 mm. Với trang bị 2 cổng USB 3.0 này thì chúng ta có thể gắn chuột, tai nghe, bàn phím hay các thiết bị lưu trữ ngoài tốc độ cao. Cần lưu ý là màn hình có 2 cổng HDMI 1.4 nên để đạt được tốc độ quét 144 Hz thì chúng ta cần phải dùng cổng DisplayPort. Cáp DisplayPort không được trang bị kèm chiếc màn hình này, chỉ tặng HDMI nên cần phải mua thêm.

Một điểm đáng chú ý là màn hình XG2402 cũng được tích hợp 2 loa 2 W, âm thanh đầu ra không lớn lắm, chỉ đủ để chữa cháy. Jack âm thanh 3,5 mm trên màn hình là một trang bị rất hữu ích bởi chúng ta có thể tận dụng jack này đấu ra loa ngoài và đặt ngay dưới màn hình hoặc dùng tai nghe.

Hệ thống nút điều chỉnh OSD trên XG2402 là thứ mình không hề thích khi phải dùng đến. Các nút bấm rất cứng và nhỏ nên bấm nhiều đau tay. Vị trí của nút bấm cũng không thuận tiện khi nó nằm tại cạnh dưới màn hình, do đó mình phải dùng nhiều lực hơn để bấm thay vì đặt tại cạnh bên. Nó gồm có 5 nút là chỉnh nhanh chế độ hiển thị theo preset, các nút lên xuống qua lại, nút Enter/Back và nút nguồn.

Về menu OSD, hệ thống menu này khá phức tạp, cho phép chúng ta chỉnh khá sâu chẳng hạn như nhiệt độ màu, các mức gamma, tỉ lệ hiển thị của màn hình, không gian màu, tốc độ làm tươi, âm thanh … Thiết kế của menu này khá rối bởi những thiết lập được phân chia trong nhiều mục nhỏ, chẳng hạn như muốn chỉnh âm thanh của loa trên màn hình thì phải bấm bấm nhiều bước mới tìm đến mục volume trong khi đây là thứ cần phải thiết kế sao cho chỉnh nhanh. Mình cho rằng menu OSD này rất không thân thiện.

Thông số của ViewSonic XG2402 như sau:

  • Kích thước: 24'
  • Công nghệ tấm nền: TN;
  • Độ phân giải tối đa: 1920 x 1080 @ 144 Hz;
  • Hỗ trợ: AMD FreeSync;
  • Tỉ lệ mặc định: 16:9;
  • Thời gian đáp ứng: 1 ms (GtG);
  • Độ sáng tối đa: 350 nit;
  • Độ tương phản: 1000:1;
  • Góc quan sát: 170 độ.

Qua tìm hiểu thì tấm nền TN của ViewSonic XG2402 có mã M240HW01 V80 do AU Optronics sản xuất và đây cũng là loại tấm nền thường thấy trên các dòng màn hình 24' 144 Hz TN phổ biến hiện nay. TN (Twisted Nematic) là công nghệ tấm nền lâu đời khai thác hiện tượng vặn xoắn của chất nền nematic. Công nghệ màn hình này có nhiều ưu điểm như có thể đạt thời gian đáp ứng ngắn, tốc độ quét cao, tiết kiệm điện nhưng cũng có những hạn chế cố hữu như góc quan sát hẹp và giới hạn về màu sắc. Công nghệ TN hiện nay đã được cải tiến nhiều rồi nên về trải nghiệm sơ bộ thì chất lượng màn hình TN của ViewSonic có thể làm hài lòng người dùng phổ thông về mặt màu sắc, độ tương phản và độ sáng cũng như góc nhìn.

Ảnh nền Windows 10 mặc định crop sát.

Ở kích thước 24', độ phân giải 1920 x 1080 px cho mật độ điểm ảnh khoảng 92 ppi với kích thước điểm ảnh 0,27 x 0,27 mm. Nhờ đó trong cự ly quan sát thông thường thì chúng ta sẽ không thấy được điểm ảnh, trải nghiệm hình ảnh sẽ trở nên nét hơn và hình ảnh mịn hơn. Mình nghĩ kích thước 24' là vừa đủ để chúng ta trải nghiệm hầu hết các loại game và nó cũng phù hợp để sử dụng trong nhiều không gian và thiết lập. Nếu mua 27' ở độ phân giải này thì ngoài chuyện mật độ điểm ảnh giảm đi, ảnh rỗ hơn thì kích thước lớn của màn hình cũng khiến chúng ta khó quan sát tổng thể hơn nhất là với màn hình phẳng.

Đo bằng SpyderElite, màn hình có độ sáng tối đa khoảng 320 nit, vẫn còn thiếu 30 nit so với thông số được ViewSonic đưa ra. Dù vậy độ sáng này đã đủ để chúng ta có thể sử dụng XG2402 trong nhiều điều kiện môi trường khác nhau từ trong phòng với ánh sáng đèn trực tiếp hay ngoài trời, một phần nữa là nhờ lớp phủ 3H chống chói. Sự chênh lệch về độ sáng khá rõ ràng giữa các vùng màn hình. Ở thiết lập độ sáng 100%, nếu như trung tâm là 314 nit thì vùng bên trái độ sáng thấp hơn khoảng 270 nit, riêng bên phải thì ổn định hơn ở mức 287 đến 294 nit.

Một điểm đáng khen cho XG2402 là độ tương phản tốt đối với một chiếc màn hình TN. ViewSonic cho biết độ tương phản thông thường của màn hình là 1000:1, riêng mình đo được là 730 - 800:1 ở độ sáng 100%. Thông thường mình sử dụng ở độ sáng màn hình khoảng 75 - 80% và độ tương phản ở mức này là 700:1. Như vậy độ tương phản trên 700 là đủ để chúng ta có thể cảm nhận tốt được sự chênh lệch về sáng tối, mang lại trải nghiệm hình ảnh hút mắt hơn. Cùng với độ tương phản, black level tức khả năng hiển thị màu đen của màn hình cũng rất tốt với tỉ lệ cao nhất là 0,44 ở độ sáng 100%, ở độ sáng 50% là 0,28 và ở 0% là 0,12.

Thiết lập gamma 2.2 trong menu OSD và đo bằng Spyder4Elite thì kết quả không tốt khi tỉ lệ này lại gần với gamma 1.8 hơn với đường màu đen bám khá sát đường màu xanh lá trong khi gamma 2.2 tiêu chuẩn là đường màu xanh dương. Kiểm tra kĩ hơn thì white point của màn hình là 6700 (lý tưởng là 6500). Gamma thấp và white point cao dẫn đến việc màn hình bị thừa trắng, màu sắc bị nhạt đi và khả năng hiển thị midtone giữa đen và trắng bị ảnh hưởng nhiều. Chẳng hạn như các cấp độ màu xám sẽ khó phân biệt được và hoàn toàn bị lấn át bởi màu trắng.

XG2402 đạt độ bao phủ 77% Adobe RGB, 72% NTSC và 99% sRGB, khá tốt đối với một chiếc màn hình dùng tấm nền TN nhưng vẫn hẹp. Bản thân tấm nền TN do đặc trưng công nghệ xoay lật ánh sáng qua lớp phân cực khiến khả năng bao phủ dải màu bị giới hạn. Chính vì vây các hãng làm tấm nền TN thường khai thác hiệu ứng dither (thu nhỏ điểm ảnh trên cùng một diện tích hay phân tán màu sắc) để tái tạo các dải màu mà màn hình không thể đáp ứng được. Nhược điểm của dither là khiến hình ảnh hơi nhòe ở các viền hay các điểm chuyển giao giữa 2 màu sắc khác nhau. Vì vậy với đặc tính này tấm nền TN không lý tưởng để sử dụng làm đồ họa hay chỉnh sửa hình ảnh chuyên nghiệp.

Tuy nhiên, độ chính xác màu của màn hình này rất tốt với Delta-E trung bình 0.92 (dưới 2 là lý tưởng). Tuy nhiên, đó là chỉ số Delta-E trung bình trên thang 64 màu, trong số các màu này thì 2 màu bị sai nhiều nhất là vàng và xanh dương với tỉ lệ Delta-E lần lượt là 1.1 và 3.83. Bằng mắt thường có thể nhìn thấy chiếc màn hình này hơi bị ám xanh nhẹ. Thêm vào đó độ chính xác màu cũng thay đổi theo từng vùng trên màn hình. Như ở độ sáng 100% thì Delta-E cao nhất ở vùng màn hình bên trái với tỉ lệ trên 5.0 (mắt thường có thể nhận thấy rõ ràng), riêng thấp nhất lại là bên phải chứ không phải trung tâm màn hình. Nếu chỉnh độ sáng xuống 50% thì sự chênh lệch màu đỡ hơn với tỉ lệ từ 2.9 đến 3.2 tại vùng bên trái.

Về 2 thông số ăn tiền nhất trên chiếc màn hình này là 144 Hz và 1 ms, XG2402 đạt tốc độ làm tươi 144 Hz native với thời gian phản hồi theo thang GtG là 1 ms. Tốc độ quét cao mang lại trải nghiệm chuyển động nhanh và đã mắt hơn. Kèm với công nghệ AMD FreeSync thì tình trạng giật xé và lặp hình thường thấy khi tốc độ trình xuất khung hình của card đồ họa và tốc độ làm tươi màn hình không thể đáp ứng kịp. AMD FreeSync là giải pháp phần mềm nằm trong driver Radeon Crimson Edition và cần có phần cứng tương thích gồm card đồ họa Radeon RX hay Vega và màn hình cũng phải hỗ trợ FreeSync. Mình đã thử nghiệm tính năng FreeSync trên chiếc màn hình này với máy tính bàn dùng card ASUS Strix RX570 và kết quả rất tốt khi ở các mức khung hình thấp, trải nghiệm chơi game vẫn rất mượt mà không cần phải đạt được khung hình 144 fps để đồng bộ với tốc độ làm tươi 144 Hz. Theo tìm hiểu thì FreeSync hỗ trợ tần số quét từ 48 đến 144 Hz nên dù card đồ họa không thể xuất đủ khung hình theo tần số quét cao nhất thì FreeSync vẫn có thể bù trừ với tính năng LFC nhằm mang lại chuyển động game mượt mà. Mình thử với game Doom Vulkan API để đạt khung hình cao trên 120 fps và một game khác với chuyển động nhanh là Quantum Break ở khung hình từ 60 đến 70 fps, hiện tượng xé hình đều không xảy ra.

Đối với thời gian phản hồi 1 ms thì thời gian này phản ánh tốc độ một điểm ảnh chuyển đổi từ xám sang trắng sang xám (GtG). Thời gian phản hồi nhanh giúp hạn chế tình trạng bóng mờ (ghosting) với các chủ thể di chuyển nhanh chẳng hạn như khi bạn chơi CS:GO và lia nhanh hồng tâm thì hồng tâm sẽ không bị vệt nhòe hay chơi game đua xe thì chuyển động của xe cũng không bị nhòe đuôi. Mình kiểm tra ghosting bằng UFO Test thì kết quả hiện tượng ghosting vẫn xảy ra. Mình tìm tính năng override trong menu OSD và phát hiện ra mục RampageX chính là override. Mình thử chuyển từ Standard sang Faster thì bị bóng ngược và khi bật Ultra Fast thì tình trạng ghosting được cải thiện đáng kể. Vì vậy nếu dùng chiếc màn hình này thì anh em nên chú ý vào RampageX chỉnh Ultra Fast để đạt trải nghiệm tốt nhất.

Về góc nhìn, dù tấm nền TN đã được cải tiến về góc nhìn nhưng khiếm khuyết này vẫn tồn tại trên mọi màn hình dùng tấm nền này, ít nhiều đều có. XG2402 được ViewSonic quảng cáo là cho góc quan sát tối đa 170 độ từ các phía nhưng để đạt được trải nghiệm hình ảnh tốt nhất thì bạn buộc phải ngồi đối diện với màn hình. Nếu xê dịch sang 2 bên thì chất lượng hình ảnh sẽ thay đổi kể từ góc khoảng trên 100 độ với hiện tượng giảm sáng góc gần và tăng sáng góc xa cũng như phần góc xa sẽ ám vàng nhiều hơn. Góc nhìn trên dưới của màn hình cũng khá kém và đây là điểm đặc trưng của tấm nền TN khi góc hẹp nhìn từ dưới lên sẽ thấy ảnh tối hơn trong khi trên xuống sáng hơn. Góc chéo từ dưới lên hay trên xuống khiến hình ảnh bị âm bản rất khó quan sát nên anh em cần lưu ý cân chỉnh hợp với tư thế ngồi.

Nhìn chung, mình đánh giá ViewSonic XG2402 là một chiếc màn hình chơi game tốt trong tầm giá 6,5 đến 7 triệu đồng. Tuy nhiên mình nhấn mạnh yếu tố game bởi nếu bạn là game thủ, bạn có nhu cầu chơi game nhiều hơn các nhu cầu khác như chỉnh sửa ảnh, đồ họa hay dựng phim thì bạn có thể mua XG2402 để khai thác tốc độ quét 144 Hz cũng như thời gian phản hồi 1 ms. Chất lượng hiển thị của XG2402 khá tốt với độ bao phủ màu sắc khá rộng nhưng độ chính xác màu sắc lại sai lệch nhiều giữa các vùng trên màn hình khiến nó không lý tưởng để làm việc với ảnh và đồ họa.

Điểm mình thích trên XG2402:

  • Thiết kế tốt, giá đỡ và chân đế linh hoạt, dễ tháo lắp;
  • Có đèn LED hiệu ứng, móc treo tai nghe, đủ đồ chơi cho game thủ;
  • Trang bị đầy đủ các cổng kết nối, có 2 x USB 3.0 và jack âm thanh;
  • Tích hợp loa nên giải quyết được phần nào vấn đề âm thanh;
  • Kích thước 24' và độ phân giải FHD phù hợp;
  • Tấm nền TN khá chất lượng với tốc độ làm tươi cao, thời gian phản hồi nhanh;
  • Độ tương phản và độ sáng khá tốt, phù hợp để giải trí;
  • Tính năng RampageX cải thiện đáng kể tình trạng ghosting;
  • AMD FreeSync hoạt động tốt mang lại trải nghiệm mượt mà với card đồ họa Radeon RX.

Điểm mình chưa thích trên XG2402:

  • Bố trí nút bấm chưa hợp lý, menu OSD phức tạp và khó tùy chỉnh;
  • Độ bao phủ màu sắc tạm ổn, Delta-E tốt nhưng biến thiên theo từng vùng trên màn hình
  • Gamma thấp và white point quá cao;
  • Màn hình ám xanh nhẹ và ám vàng nặng khi đổi góc nhìn;
  • Góc nhìn bị hạn chế do bản chất tấm nền TN.

TIN LIÊN QUAN

ViewSonic ra mắt màn hình độ trễ thấp VX57 chuyên game

ViewSonic ra mắt màn hình giải trí đa phương tiện VX2771 ViewSonic PD0711 - bảng kỹ thuật số dành cho doanh nghiệp Bộ đôi màn hình viền siêu mỏng ViewSonic sắp về Việt Nam...

ViewSonic trình làng bản nâng cấp của màn hình bảo vệ mắt

Màn hình này nổi bật với các tính năng bảo vệ mắt người dùng.

ViewSonic VX2771: Màn hình 27” dành cho giải trí, xem phim chơi game mãn nhãn!

Nếu đang tìm một màn hình cỡ lớn dành cho giải trí, xem phim, chơi game, đừng bỏ qua sản phẩm này.

ViewSonic VG2401mh: Mãn nhãn với màn hình game thủ tần số quét 144 Hz

Sử dụng VG2401mh, không chỉ hình ảnh mượt mà trơn tru hơn, sự chính xác của con trỏ chuột cũng được nâng lên đáng kể. Đôi khi chỉ click nhanh hơn, chuẩn hơn nhau 1 tích tắc cũng đủ...

ViewSonic ra mắt màn hình giải trí đa phương tiện VX2771

ViewSonic PD0711 - bảng kỹ thuật số dành cho doanh nghiệp Bộ đôi màn hình viền siêu mỏng ViewSonic sắp về Việt Nam ViewSonic giới thiệu bộ 3 ‘trợ lý di động’ cho người dùng máy...

ViewSonic chính thức ra mắt loạt sản phẩm mới tại Việt Nam

ViewSonic cho biết với trong lần ra mắt đầu năm 2018, hãng tập trung vào dòng màn hình chuyên nghiệp kích thước 32' như VP3268-4K dùng tấm nền SuperClear IPS và các dòng màn hình văn phòng, giải trí như VX3217-2KC-mhd và VX3276-2K-md với thiết kế

ViewSonic ra mắt màn hình VX2771 nhắm tới giải trí đa phương tiện

TTO - ViewSonic vừa giới thiệu dòng màn hình VX với nhiều công nghệ mới cao cấp, cung cấp cho người dùng một góc nhìn rộng hơn, phần không gian chiếm dụng được cải thiện hơn.

ViewSonic Ra Mắt Màn Hình Thiết Kế Đồ Họa ColorPro VP68a Đạt Chuẩn Patone Validated

Pantone là một ngôn ngữ tiêu chuẩn cho màu sắc, đóng vai trò quan trọng để hỗ trợ các nhà thiết kế, nhà sản xuất và thương hiệu đưa ra các quyết định hàng ngày. Dòng sản phẩm ColorPro VP68a được cân chỉnh màu sắc ngay từ nhà máy theo chuẩn Pantone

THỦ THUẬT HAY

Cách xác định lỗi phần cứng và cách xử lý cơ bản khi PC không khởi động được

Ai trong chúng ta có lẽ cũng đã từng trải qua cái cảnh một ngày đẹp trời bấm nút nguồn chiếc PC quen thuộc, bỗng kinh hoàng phát hiện ra rằng vì một lý do nào đó mà nó mãi chẳng chịu khởi động vào hệ điều hành. Tuy

Cách để chụp ảnh định vị trên điện thoại Android và iPhone cực đơn giản, nhanh chóng

Bạn là người thường xuyên sử dụng điện thoại để chụp ảnh. Bạn muốn biết thông tin về những bức ảnh của mình được chụp vào thời gian nào, địa điểm ở đâu nhưng lại không biết cách.

4 gói cước xem phim của VinaPhone miễn 100% Data và hướng dẫn đăng ký

Dịch vụ xem phim online của VinaPhone chất lượng cao trên điện thoại mà không lo về dung lượng 3G/4G. Đây là những gói cước xem phim của VinaPhone và cách đăng ký...

Chơi Candy Crush thông qua nền tảng AR từ Facebook Live

Được biết, phiên bản Candy Crush AR mới ra mắt này được hoạt động dựa trên nền tảng AR do Facebook cung cấp, cho phép người chơi có thể tương tác với game thông qua những cử chỉ của cơ thể, cụ thể chính là khuôn mặt và

ĐÁNH GIÁ NHANH

Đánh giá Galaxy J4 Plus nhanh: Tân binh mới phân khúc giá rẻ

Samsung Galaxy J4 Plus vừa ra mắt nhằm vào phân khúc giá rẻ, phổ thông. Cùng xem qua những đặc điểm nổi bật của máy để có thêm sự lựa chọn cho bản thân nhé.

Đánh giá Redmi Note 5A Prime: cấu hình ổn, ảnh selfie cực kì đẹp

Redmi Note 5A Prime không có nhiều thay đổi về ngoại hình so với các sản phẩm tầm trung của Xiaomi trong vài năm trở lại đây, mà nói một cách thẳng ra thì kiểu thiết kế này đã rất nhàm chán.

Đánh giá nhanh Surface Book 2: bản lề chắc chắn hơn, cấu hình tốt hơn

Cấu hình đã mạnh mẽ hơn và được việc hơn nhờ thế hệ vi xử lý Kaby Lake Refresh - lần đầu CPU dòng U có 4 nhân 8 luồng, thêm vào đó là GPU rời thế hệ Pascal.